Nhà hát lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà người Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Nhà hát Lớn được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu của “Nhà hát Opera Paris” (Pháp), do hai kiến trúc sư Harlay và Broyer thiết kế nhưng tầm vóc nhỏ hơn, các vật liệu sử dụng được thay đổi theo những điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương, đồng thời mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các Nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Cách tổ chức mặt bằng, loại hình móng ngựa cho phòng lớn, lối vào sảnh, cầu thang chính và việc tổ chức các không gian phục vụ sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội đều giống như các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Kết cấu kiến trúc và cả những họa tiết trang trí trong Nhà hát Lớn đều là phong cách kiến trúc phổ biến ở Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Kiểu mái hai mảng lợp ngói đá, đỉnh mái nhọn, mang yếu tố cân xứng hai bên, họa tiết trang trí trên vòm trần, các vòng nguyệt quế và huy chương trên tường đã mang lại một nét độc đáo của kiến trúc nhà hát phương Tây hiện đại giữa những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Nhà hát lớn Hà Nội có diện tích 2.600m2, chiều dài 87m, chiều rộng 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Bên trong nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Đằng sau sân khấu là phòng quản trị, 18 buồng hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và 1 phòng họp. Sảnh chính: Là nơi đầu tiên đón khách đến Nhà hát, được lát đá chất lượng cao của Ý, có màu sắc tạo cảm giác như được trải tấm thảm lớn. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo kiểu cổ. Đèn chùm treo trên cao được mạ một lớp vàng theo công nghệ mới. Phòng khán giả: Bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội có sân khấu rộng và một phòng khán giả rộng 576m2, có tổng số ghế cả ba tầng là 900 ghế. Sàn phòng khán giả được lát bằng gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Ghế ngồi được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ 19. Trần bên trên phòng khán giả do các hoạ sỹ Pháp vẽ. Đèn chùm được dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Đèn gắn trên tường làm bằng đồng theo kiểu cổ. Phòng gương: Phòng gương là phòng lễ nghi quan trọng thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, nơi diễn ra lễ ký kết các văn kiện quan trọng của Chính phủ. Ngoài ra phòng gương còn là nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật thính phòng, họp báo và tiến hành các Hội nghị có qui mô nhỏ. Sàn Phòng gương được phục chế hoàn toàn theo kỹ thuật Mozaic. Đá lát sàn phòng được đưa từ Ý sang do thợ lành nghề của Ý hướng dẫn ghép từng viên bằng tay để đảm bảo độ tinh tế của công trình. Trần phòng gương được phục chế theo nguyên bản bởi những nghệ nhân từ Vơnidơ. Đèn chùm pha lê và đèn treo các góc mang phong cách cổ điển Pháp. Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đó là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành minh chứng cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới.