• Theo dõi chúng tôi
Điện thoại: 024 3974 6373 | 024 3972 6889

Đền Ăng Co Thom

Cách không xa Angkor Wat là đô thị cổ Angkor Thom, nơi có thể sánh được với thành Rome cổ đại về cả kích thước lẫn dân số. Nó cũng được bao quanh bởi dãy hào rộng 100 m và tường cao 8 m.

Angkor Thom được vua Jayavarman VII xây dựng sau Angkor Wat gần 100 năm. Angkor Thom cũng có sức hấp dẫn huyền bí không kém Angkor Wat. Giữa quang cảnh đổ nát, đi quanh những tảng đá lớn nằm ngổn ngang ở đền Bayon, nhìn lên mọi hướng, du khách lúc nào cũng thấy tượng đầu người mỉm cười bí hiểm. Có tổng cộng 256 gương mặt đá trên 54 tháp nhìn khắp hướng ở đền Bayon.

Cấu trúc đền Bayon gồm ba tầng. Cả ba tầng đều bị đổ nát, gạch đá nằm ngổn ngang. Năm 1924, Henri Parmentier (nhà khảo cổ Pháp, người lập ra Viện bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng) đã tìm được ở Bayon một tượng bồ tát Lokesvara. Say này trong lòng trung tâm Bayon, một tượng Phật lớn cũng được tìm ra.

Đường đi vào thành phố, Angkor Thom cũng có 5 ngọn tháp đá mỗi ngọn cao 23m và khắc 4 khuôn mặt quay về 4 hướng. Những khuôn mặt này thể hiện những vị chúa thống trị 4 phương trên đỉnh núi thiêng Meru theo quan niệm Hindu.

Ở mỗi cổng vào thành là một con voi 3 đầu, vòi cuốn hoa sen. Trên lưng voi là thần Indra, hai bên lưng voi là thần Apsara. Có hai công trình đáng chú ý nữa ở Angkor Thom là đài vua Leper, được sử dụng cho các sự kiện lớn và đài Voi, nơi diễn ra các nghi lễ cầu cúng. Cả hai công trình đều được tạc các hình người và thần linh rất tinh xảo.

Về ý nghĩa, Angkor Thom là vũ trụ thu nhỏ, được chia thành 4 phần bởi các trục chính. Đền Bayon nằm chính giữa trung tâm các trục và được coi như sự kết nối giữa trời và đất. Tuy nhiên, “tâm điểm” của thành phố chính là đền Bayon. Nếu Angkor Wat khiến người ta phải sửng sốt vì sự hùng vĩ thì đền Bayon lại là sự khác biệt đến mức kỳ lạ.

Những ngọn tháp trong đền thể hiện hơn 200 khuôn mặt của vua Jayavarman (người tự coi là hiện thân của Phật Boddhisatva) đang nhìn chằm chằm. Hai bức tượng tướng canh cửa đựơc dựng bên lối vào của đền. Một người có khuôn mặt hiền hoà cầm đinh ba còn người kia khuôn mặt dữ tợn, cầm gậy.

Các cột vuông trong điện được trang trí với những hình ảnh vũ công và Apsara (nữ thần). Những dãy tường ngoài của đền là các bức phù điêu cũng thể hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Khmer thế kỉ XII, từ cảnh gặt lúa đến cảnh chiến đấu.

Đường vào cửa Angkor Thom rất ấn tượng. Hai bên là các tượng thần ôm thân con rắn bảy đầu dài khoảng vài trăm thước dọc hai bên cửa vào thành phố cổ này.

Trung tâm của thành phố Angkor Thom là đền Bayon, với bốn cửa theo bốn hướng. Kế đền Bayon về phía Tây Bắc là cung điện vua Phimeanakas; từ đó cũng có một trục chạy về phía Đông ra một cửa nữa gọi là cửa “Chiến thắng”. Angkor Thom vì thế có hai trung tâm thể hiện hai thời kỳ lịch sử xây dựng khác nhau.

Xem thêm