• Theo dõi chúng tôi
Điện thoại: 024 3974 6373 | 024 3972 6889

Tonle Sap (Biển Hồ)

Tonle Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.

Thường thì vào mùa khô từ Tháng 11 đến Tháng 5, hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1m với diện tích 10.000km². Vào mùa mưa bắt đầu từ Tháng 6, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km².

Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9m, làm ngập đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến Tháng 10 thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.

Vì địa thế đặc biệt với hệ thống thủy văn đổi dòng hai lần mỗi năm, hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.

Có thông tin cho rằng vì lượng phù sa đổ vào hồ nên Tonle Sap đang bị lấp cạn dần. Tuy nhiên, các cuộc khảo cứu cho biết lòng hồ chỉ nhận khoảng 0,1-0,16 mm/năm từ hơn 5.000 năm nay nên nguy cơ hồ bị lấp cạn không đúng. Lượng phù sa không những không làm hại mà còn giúp ích giữ môi trường Tonle Sap luân chuyển.

Cũng vì hồ Tonle Sap điều tiết mà hạ lưu sông Mê Kông bớt nạn lũ lụt vào mùa mưa và ngược lại vào mùa khô khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tonle Sap bù vào.

Chỉ cách trung tâm thành phố Seam Riep khoảng 30 phút ô tô nên khi đến với Campuchia, du khách thường không bỏ qua địa danh này.

Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm, sinh sống tại các làng nổi bên hồ.

Xem thêm